KHÁM PHỤ KHOA



Khi nào chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa?
Chi em phụ nữ nên đi khám phụ khoa ĐỊNH KỲ ít nhất 6 THÁNG/LẦN (nhất là những chị em đã có gia đình) nhằm:
- Được khám và phát hiện các vấn đề phụ khoa thường gặp mà không phải vấn đề nào cũng có triệu chứng. Đặc biệt các vấn đề về kinh nguyệt.
- Được bác sĩ tư vấn tầm soát ung thư cổ tử cung, U buồng trứng, U xơ tử cung…
NÊN đến khám NGAY khi có biểu hiện như:
- Đau trằn bụng dưới.
- Ra nhiều KHÍ HƯ hôi, ngứa, có lẫn máu mủ.
- Ra HUYẾT ÂM ĐẠO bất thường.
- KINH NGUYỆT không đều, có kinh kéo dài, ra kinh nhiều…
VỆ SINH CÁ NHÂN hằng ngày nhất là sau khi đại, tiểu tiện; trong các ngày hành kinh và sau khi giao hợp.
TRƯỚC khi đi khám phụ khoa KHÔNG nên đặt thuốc vào âm đạo, KHÔNG bơm rửa âm đạo, chỉ đi vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài.
Tầm soát ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, đứng thứ tư trong danh sách các loại ung thư ảnh hưởng đến phụ nữ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, điều đáng mừng là ung thư cổ tử cung hiện nay đã trở thành một trong những loại ung thư có thể phòng ngừa hiệu quả nhất. Với sự phát triển của y học hiện đại, chúng ta đã có những phương pháp tầm soát ung thư CTC và phòng ngừa rất hiệu quả, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Tầm soát ung thư CTC là gì?
Tầm soát ung thư CTC là một biện pháp y tế quan trọng nhằm phát hiện những biến đổi bất thường trên tế bào cổ tử cung có thể dẫn đến ung thư. Quy trình tầm soát này bao gồm việc thực hiện các xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (còn gọi là Pap test hoặc Pap smear), xét nghiệm phát hiện virus gây u nhú ở người (HPV), hoặc kết hợp cả hai phương pháp này.
Pap test là một phương pháp xét nghiệm tế bào học, trong đó bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung và kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện các tế bào bất thường. Những tế bào bất thường này có thể là dấu hiệu của tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung. Đây là phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung truyền thống và đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều thập kỷ qua.
Xét nghiệm HPV là phương pháp kiểm tra sự hiện diện của virus HPV, một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung. HPV là một loại virus rất phổ biến và có nhiều chủng khác nhau, trong đó một số chủng có nguy cơ cao gây ung thư. Việc phát hiện sớm sự hiện diện của virus HPV giúp bác sĩ có thể theo dõi và quản lý nguy cơ phát triển ung thư ở bệnh nhân.
Ung thư CTC xảy ra như thế nào?
CTC là lổ mở của tử cung và nằm ở đỉnh tận cùng của âm đạo. CTC được bao phủ bởi một lớp mô mỏng cấu tạo bởi 2 loại tế bào: 1) tế bào “giống da” gọi là tế bào vảy hay tế bào lát và 2) tế bào tuyến tạo nên chất nhầy CTC.
Ung thư xảy ra khi tế bào CTC trở nên bất thường và ngày càng phát triển quá mức. Tế bào ung thư xâm nhập sau vào mô CTC. Trong những ca ung thư tiến triển, tế bào ung thư có thể lan đến các cơ quan của cơ thể.
Nguyên nhân gây ung thư CTC?
Hầu hết các trường hợp ung thư CTC là do nhiễm HPV. Đây là một loại virus xâm nhập vào tế bào CTC và gây biến đổi di truyền. Các loại HPV nhất định liên quan đến ung thư CTC cũng như ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, miệng và họng. Các dạng HPV có thể gây ra ung thư được gọi là “loại nguy cơ cao”.
Các loại HPV này và những dạng khác lan truyền từ người sang người thông qua hoạt động tình dục. HPV rất phổ biến, gần như tất cả những người tham gia hoạt động tình dục sẽ tiếp xúc với HPV trong suốt cuộc đời. Nhiễm HPV thường không có triệu chứng rõ ràng, vì vậy hầu hết mọi người không biết họ đã từng mắc phải.
Tại sao tầm soát ung thư CTC là quan trọng?
Thường mất từ 3 – 7 năm để các biến đổi mức độ cao trở thành ung thư. Sàng lọc ung thư CTC có thể phát hiện các biến đổi này trước khi trở thành ung thư. Những phụ nữ có các biến đổi thấp sẽ được kiểm tra thường xuyên hơn xem các tế bào có trở lại bình thường không. Những phụ nữ có các biến đổi cao có thể được điều trị loại bỏ các tế bào bất thường này.
Tầm soát ung thư CTC thực hiện như thế nào?
Tầm soát ung thư CTC bao gồm kiểm tra Pap, HPV hoặc cả hai. Cả hai xét nghiệm đều sử dụng tế bào lấy từ CTC. Quá trình sàng lọc đơn giản và nhanh chóng. Bạn nằm trên bàn khám và được đặt mỏ vịt bộc lộ CTC và phần trên của âm đạo. Tế bào được lấy khỏi CTC bằng 1 chổi hay dụng cụ lấy mẫu. Tế bào được nhúng vào dung dịch chuyên biệt và gởi đến phòng xét nghiệm kiểm tra:
• Xét nghiệm Pap: mẫu được kiểm tra có tế bào bất thường không.
• Xét nghiệm HPV: mẫu được kểm tra có hiện diện type HPV nguy cơ cao thường gặp không. Thông thường, mẫu thử Pap có thể dùng để xét nghiệm HPV. Đôi khi, 2 mẫu tế bào được lấy; tùy thuộc vào loại xét nghiêm Pap.
Bao lâu tầm soát ung thư CTC một lần và nên làm loại xét nghiệm nào?
Tầm soát ung thư CTC là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Bạn nên bắt đầu tầm soát từ 21 tuổi, bất kể thời điểm quan hệ tình dục lần đầu. Bao lâu tầm soát ung thư CTC một lần và nên làm loại xét nghiệm nào tùy thuộc vào độ tuổi và tiền sử sức khỏe:
• Phụ nữ từ 21 – 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap nhúng dịch mỗi 3 năm. Xét nghiệm HPV có thể cân nhắc cho lứa tuổi từ 25 – 29 tuổi, nhưng ưu tiên Pap hơn.
• Phụ nữ từ 30 – 65 tuổi có thể xét nghiệm: có thể làm bộ đôi (cả Pap và HPV) mỗi 3-5 năm.
Khi nào có thể ngừng tầm soát ung thư CTC?
Phụ nữ nên ngưng tầm soát ung thư CTC sau tuổi 65 nếu:
• Không có tiền sử bất thường tế bào CTC trung bình hoặc nặng, hoặc ung thư CTC; và
• Có kết quả xét nghiệm Pap âm tính 3 lần liên tục, 2 lần xét nghiêm HPV âm liên tục, hoặc 2 lần xét nghiệm bộ đôi âm tính liên tục trong vòng 10 năm qua. Xét nghiệm gần nhất được làm trong vòng 3 – 5 năm.
Cấy que tránh thai
Các chị em muốn tìm một phương pháp ngừa thai không phải nhớ sử dụng mỗi ngày, mà có hiệu quả trong nhiều năm thì biện pháp được lựa chọn nhiều nhất là cấy que và đặt vòng.
Chọn biện pháp ngừa thai nào cho phù hợp có lẽ là băn khoăn của rất nhiều người. Nhiều chị em phụ nữ thường có chung câu hỏi là "biện pháp ngừa thai nào là tốt nhất?", trên thực tế sẽ không có biện pháp nào tốt nhất mà chúng ta cần tìm ra biện pháp phù hợp nhất. Vì mỗi biện pháp ngừa thai đều có ưu và nhược điểm, có chỉ định thực hiện được và cũng có những trường hợp chống chỉ định.
Vì vậy, việc lựa chọn cần có thời gian trao đổi giữa bạn và bác sĩ để tìm ra phương pháp phù hợp nhất.
Cấy que ngừa thai là gì? Tác dụng trong bao lâu?
Có nhiều dạng que cấy, bài viết này cụ thể trao đổi về loại đang hay được sử dụng hiện nay là que cấy Implanon NXT: loại chỉ có 1 thanh nhựa.
Que cấy ngừa thai là một thanh nhựa nhỏ, mềm dẻo có chứa nội tiết tố được cấy dưới da cánh tay, chỉ cần một que cấy duy nhất, tác dụng ngừa thai kéo dài trong 3 năm.
Nội tiết tố này có tác dụng ức chế rụng trứng, làm mỏng nội mạc tử cung và làm cho dịch nhầy cổ tử cung đặc lại, ngăn chặn sự xâm nhập của tinh trùng.
Cấy que tránh thai được thực hiện như thế nào?
Khi cấy que ngừa thai, bác sĩ sẽ gây tê mặt trong cánh tay không thuận của bạn (thường là tay trái), sau đó dùng một dụng cụ chuyên biệt để luồn que cấy dưới da.
Thủ thuật khá nhẹ nhàng và nhanh chóng. Bạn sẽ cảm nhận que cấy giống như một cây tăm ở dưới da. Khi tháo bỏ thì bác sĩ cũng sẽ gây tê rồi dùng dụng cụ gắp ra nhẹ nhàng.
Ưu điểm của que cấy tránh thai:
- Hiệu quả cấy que tránh thai cao thuộc hàng “top” trong các biện pháp ngừa thai, trên 99%.Tác dụng lâu dài 3 năm.
- Khi nào muốn có con trở lại bạn chỉ việc tháo bỏ que cấy ra. 90% phụ nữ sẽ rụng trứng 3-4 tuần sau tháo que.
- Cấy dưới cánh tay khá nhẹ nhàng, kín đáo, người ngoài khó nhận ra được.
- Thích hợp cho những bạn hay “nhớ nhớ quên quên” mà việc nhớ uống thuốc ngừa thai mỗi ngày là một khó khăn lớn.
- Thích hợp với những bạn không dùng được thuốc vỉ ngừa thai có chứa estrogen: đang cho con bú, tăng huyết áp, hút thuốc lá, tiểu đường, trên 40 tuổi…
- Không ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng.
- Có thể làm cho bạn giảm lượng máu kinh và giảm đau bụng kinh.
Tôi đang cho con bú mẹ thì có cấy que được không?
Vì que cấy ngừa thai không chứa estrogen, nên bạn có thể sử dụng khi cho con bú. Mặc dù 1 lượng nhỏ hormone từ que cấy ngừa thai có thể vào sữa mẹ, nhưng nó không ảnh hưởng đến sự tăng trường và phát triển của trẻ, cũng như không ảnh hưởng đến sự tiết sữa và và lượng sữa mẹ.
Nếu bạn đang cho con bú và muốn sử dụng que cấy ngừa thai, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Thời điểm có thể cấy que tốt nhất là sau sanh từ 4-6 tuần trở lên.
Ngoài ra bạn vẫn có thể lựa chọn các phương pháp ngừa thai khác như uống thuốc ngừa thai loại dành cho con bú chỉ có progestin hay loại ngừa thai kết hợp (từ tháng thứ 6 trở đi) hay sử dụng bao cao su.
Tôi nên đi cấy que vào thời điểm nào?
Bạn nên đến khám trong vòng 5 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt và chưa có quan hệ tình dục kể từ khi ra máu kinh. (Nghĩa là ngày bạn bắt đầu ra máu kinh tính là ngày 1, bạn đến bệnh viện trong khoảng từ ngày 1 đến ngày 5)
Trường hợp đang cho con bú và chưa có kinh trở lại thì nên đến bệnh viện cấy que vào thời điểm nào?
Sau sanh và đang có con bú, thời điểm có thể cấy que tốt nhất là sau sanh từ 4-6 tuần trở lên. Khi chưa có kinh trở lại bạn có thể đến bệnh viện để được tư vấn và cấy que bất kỳ thời điểm nào nếu chắc chắn là đang không có thai. Và sau khi cấy bạn cần sử dụng thêm 1 biện pháp ngừa thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.
Cấy que tránh thai có tác dụng phụ gì hay không?
Cấy que tránh thai có thể gặp một số tác dụng phụ sau:
Tại vị trí cấy hoặc tháo que:
- Đau, bầm tím hoặc sưng tụ máu (rất ít gặp)
- Nhiễm trùng, áp xe
- Có thể để lại sẹo nhỏ
Ảnh hưởng của nội tiết sau khi cấy:
- Rối loạn kinh nguyệt trong 2-6 tháng đầu: rỉ máu lượng ít, kéo dài từng đợt 5-7 ngày hoặc lâu hơn; vô kinh, rất ít gặp vài đợt ra máu kinh lượng nhiều.
- Đau bụng âm ỉ, đau lưng hoặc đau đầu.
- Cảm giác buồn nôn, căng ngực.
Cấy que tránh thai có thể sẽ không ra kinh trong 3 năm có đúng không? Vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của tôi hay không?
Có khoảng 20-30% phụ nữ vô kinh (không ra kinh) trong khi sử dụng que cấy. Đó là tác dụng mong muốn của que cấy là giảm lượng máu kinh xuống thấp nhất hoặc vô kinh. Hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Số còn lại có sự thay đổi trong kinh nguyệt: có người ra kinh lượng nhiều hơn hoặc ít hơn, chu kỳ kinh kéo dài hơn hoặc ngắn lại, với đa số là giảm sự ra máu. Tình trạng này thường giảm hoặc mất sau 1 năm cấy que.
Khi nào có thể tháo que tránh thai? Chi phí tháo que tránh thai là bao nhiêu?
Thời điểm rút que: khi que hết thời gian hiệu lực cần thay mới hoặc bất kỳ khi nào bạn muốn có em bé.
Vòng tránh thai MIRENA
Từ lâu tránh thai bằng dụng cụ tử cung (DCTC) đã trở nên rất phổ biến. Rất nhiều loại DCTC được tạo ra nhằm mục đích tăng hiệu quả tránh thai, và làm giảm tối thiểu những tác dụng phụ cho những phụ nữ chọn phương pháp tránh thai bằng DCTC.
Hiện nay, đã có vòng tránh thai thế hệ mới -MIRENA- là một loại vòng chứa nội tiết. Đây là loại vòng được biết đến với nhiều ưu điểm, đã làm phong phú cho các phụ nữ khi chọn lựa phương pháp tránh hiện đại và hiệu quả cao. Ngoài tác dụng tránh thai, MIRENA còn được sử dụng như là phương pháp điều trị duy trì đối với những trường hợp rong kinh rong huyết, cường kinh, bảo vệ nội mạc tử cung...
Sơ lược về hình dáng và cấu tạo của MIRENA
Mirena có dạng hình chữ T được cấu tạo bởi nhựa dẻo thấm Sulfate Barium, tạo ra hình ảnh cản quang, vì vậy có thể nhận biết sự hiện diện của vòng trên siêu âm và X quang. Chiều dài của vòng 32mm, tận cùng của khung T là vòng nhỏ có gắn sợi dây polyethylene. Nguồn dự trữ steroid chứa trong ống hình trụ dài19mm bọc ở phía ngoài nhánh dọc chữ T, chứa 52mg levonorgestrtrel (LNG) và được phủ bên ngoài bởi một lớp màng polydimethylsiloxane. Lớp màng này có tác dụng điều chỉnh sự phóng thích LNG trong buồng tử cung.
Tốc độ phóng thích ban đầu của LNG mỗi ngày vào buồng tử cung là 20µg, và sẽ giảm xuống khoảng 11µg/ ngày sau 5 năm.
Những hiệu quả của MIRENA
- Trong ngừa thai
Hiệu quả ngừa thai cao: tỷ lệ có thai trong năm đầu sử dụng là 0-0.2%, tỷ lệ có thai tích luỹ trong 5 năm sử dụng là 0.5-1.1%, cho thấy hiệu quả ngừa thai của Mirena đạt 99,95%.
Mirena được đánh giá tương đương với triệt sản nhưng lại có khả năng hồi phục chức năng sinh sản một cách nhanh chóng.
Cơ chế: Levonorgestrel có tác dụng làm cô đặc chất nhầy cổ tử cung, như rào cản sự xâm nhập của tinh trùng, làm giảm tính di động của tinh trùng, nhằm ngăn chặn quá trình thụ tinh.
Ngoài ra, lớp nội mạc tử cung mỏng đi sẽ không thích hợp cho sự làm tổ của trứng đã thụ tinh.
- Trong điều trị rong kinh, cường kinh
Rong kinh là một trong những bệnh phụ khoa mà phụ nữ vô cùng lo lắng, gây ảnh hưởng nhiều đến sinh họat hằng ngày, cũng như chất lượng cuộc sống của các chị em phụ nữ bị giảm sút rất nhiều. Rong kinh nếu không chữa trị có thể gây biến chứng như thiếu máu thiếu sắt, thống kinh, nhiễm trùng cấp tính, vô sinh là biến chứng gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người bệnh.
Mirena ngoài tác dụng ngừa thai còn được coi như là một phương pháp điều trị hiệu quả những trường hợp rong kinh cơ năng liên quan đến nội tiết, và những trường hợp rong kinh do u xơ tử cung, hay lạc nội mạc tử cung.
Cơ chế: sự phóng thích LNG trong khoang tử cung sẽ có tác dụng tại chỗ, làm giảm sự tăng sản của lớp nội mạc tử cung trong vòng 3-6 tháng đầu sử dụng, điều này có tác dụng làm lượng máu và số ngày hành kinh một cách đáng kể (lượng máu kinh giảm được 90%). Sau 3-4 tháng người sử dụng sẽ có chu kỳ kinh không đều (lượng máu kinh giảm hơn 70%), có thể có hiện tượng ra huyết rỉ rả. 20% phụ nữ sẽ có hiện tượng vô kinh trong 1 năm đầu sử dụng, và con số này lên tới 60% nếu tính đến thời điểm sử dụng là 5 năm.
Một khi đã xác định có rối loạn về kinh nguyệt, thì các chị em nên được khám chuyên khoa, nhằm xác định bệnh lý của mình và nguyên nhân do đâu. Mục đích nhằm giúp cho việc điều trị có hiêu quả và nhanh chóng, tránh những biến chứng đáng tiếc.
Một số tác dụng khác của MIRENA
- Ngừa thiếu máu vì làm giảm số ngày hành kinh.
- Giảm triệu chứng đau dụng kinh.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm vùng chậu, viêm nội mạc tử cung, viêm cổ tử cung.
- Giảm nguy cơ thai ngoài tử cung.
- Không ảnh hưởng lên trọng lượng cơ thể.
Đối tượng sử dụng MIRENA
- Những phụ nữ muốn tránh thai lâu dài có thể phục hồi.
- Rong kinh, cường kinh, thống kinh liên quan rối loạn nội tiết, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung.
- Liệu pháp hormon thay thế trong những trường hợp phụ nữ mãn kinh không thể dung nạp progestin đường uống.
Thời hạn sử dụng
5
Những trường hợp chống chỉ định
- Ung thư vú.
- Có thai.
- Viêm nhiễm vùng chậu cấp tính.
- Nhiễm khuẩn sau hút thai, sau sẩy thai.
- Nhiễm khuẩn hậu sản.
- Rong huyết chưa chẩn đoán được nguyên nhân.
Những bất lợi khi sử dụng MIRENA
Vì Mirena thực chất cũng là một dụng cụ được đưa vào lòng tử cung nhẳm tạo hiệu quả tránh thai nên Mirena cũng có những tai biến giống như đặt những DCTC khác xảy ra ngay tại thời điểm dặt: co thắt và đau, thủng tử cung (hiếm gặp). Một số trường hợp vòng nằm lệch vị trí hay tuột thấp.
Một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng vòng Mirena như: rối loạn kinh nguyệt, tình trạng ra huyết rỉ rả kéo dài, nhức đầu, đau ngực, mụn trứng cá. Tuy nhiên những triệu chứng khó chịu này chỉ thường gặp trong những tháng đầu tiên và sẽ đa phần giảm dần theo thời gian sử dụng.
Thời điểm đặt và theo dõi sau khi đặt MIRENA
Trong vòng 7 ngày đầu tiên của kỳ kinh.
Có thể đặt vào thời điểm khác của chu kỳ nếu chắc chắn không có thai.
Ngay sau khi hút thai.
Muốn đổi phương pháp ngừa thai khi đang sử dụng một biện pháp tránh thai lâu dài khác.
Sau sanh 6 tuần, trường hợp nếu chưa có kinh thì cần chắc chắn không có thai.
Phụ nữ sau sanh và đang cho con bú vẫn có thể sử dụng Mirena ngừa thai, vì không gây ảnh hưởng đến chất lượng của sữa mẹ và sự phát triển của trẻ.
Vế vấn đề có thai trở lại sau khi ngưng sử dụng vòng MIRENA
Đây là điều mà người sử dụng rất quan tâm khi chọn biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài này. Dựa trên những nghiên cứu người ta thấy rằng khả năng mang thai cũng như chức năng buồng trứng của người sử dụng sẽ lập tức hồi phục ngay sau khi tháo vòng.
Mỗi một phương pháp tránh thai đều có những ưu điểm và nhược điểm. Tùy vào mức độ ảnh hưởng trên từng đối tượng sử dụng như thế nào mà người sử dụng có thể chấp nhận và tiếp tục sử dụng hay không.
Vòng tránh thai nội tiết là một phương pháp ngừa thai hiệu quả cao và lâu dài, đồng thời được sử dụng như là một phương pháp điểu trị duy trì trong một số trường hợp. Tuy nhiên, giá thành của phương pháp này vẫn còn khá cao, đối tượng sử dụng thường là những người có thu nhập cao. Do đó, trước khi quyết định chọn lựa một phương pháp ngừa thai nào thì việc cân nhắc sự phù hợp về giá thành, nhu cầu và tính hiệu quả của phương pháp đó rất cần thiết.
Phá thai nội khoa dưới 7 tuần
Phá thai nội khoa hay phá thai bằng thuốc (PTBT) có nghĩa là dùng thuốc để gây sẩy thai.
Theo qui ước, PTBT thành công là gây sẩy thai hoàn toàn mà không thực hiện bất cứ thủ thuật nào trong tử cung, do đó làm giảm được nguy cơ nhiễm trùng và thủng tử cung.
Theo quan niệm mới, mục đích của PTBT là làm chết và gây sẩy thai chứ không phải làm sạch tử cung.
Tuổi thai: số ngày hoặc số tuần tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng đến khi quyết định bỏ thai (chu kỳ kinh bình thường) hoặc theo siêu âm.
PTBT dưới 7 tuần
Là phương pháp chấm dứt thai kỳ trong tử cung bằng cách sử dụng phối hợp thuốc gây sẩy thai, cho các thai < 7 tuần.
Tiêu chuẩn nhận
Thai trong tử cung với tuổi thai < 7 tuần không có các chống chỉ định về y khoa
Nếu khách hàng ở tuổi vị thành niên phải có người giám hộ (bảo lãnh) và có đầy đủ giấy tờ chứng minh người giám hộ hợp pháp về mặt pháp lý.
Các bước thực hiện
1. Chuẩn bị khách hàng: Tư vấn PTBT
Khách hàng (KH) sẽ được:
- Tư vấn về quyết định chấm dứt thai kỳ.
- Giới thiệu các biện pháp phá thai hiện có phù hợp với tuổi thai của KH bao gồm: hút thai và PTBT
- Hiệu quả của PTBT là 95% có nghĩa là: cứ 100 KH uống thuốc phá thai sẽ có khoảng 95 người ra thai và 05 người không ra thai. Nếu không ra thai KH sẽ chấp nhận hút thai.
- KH cần phải tái khám sau 1 tuần để đánh giá tình trạng ra thai.
2. Thực hiện PTBT: Khách hàng sẽ được
- Hướng dẫn cách dùng thuốc và triệu chứng bình thường sau uống thuốc (ra huyết âm đạo và đau bụng)
- Cách tự theo dõi và tự chăm sóc sau dùng thuốc phá thai
- Giới thiệu các tác dụng phụ của thuốc phá thai và cách xử lý
- Các triệu chứng cần tới cơ sở y tế ngay
- Cung cấp thông tin liên lạc khi cần liên lạc trong những tình huống cấp cứu
- Cung cấp thông tin về khả năng có thai trở lại sau PTBT
- Giới thiệu và cung cấp biện pháp tránh thai sử dụng đúng và phù hợp với KH
- Hẹn tái khám sau sẩy thai 1 tuần hoặc khi có bất thường (sốt hay ra máu nhiều)
3. Thực hiện thuốc, theo dõi và chăm sóc:
- Uống một viên thuốc, hẹn 1 tuần tái khám.
- KH được hướng dẫn theo dõi: tình trạng ra máu âm đạo, ra thai, đặc biệt là tình trạng đau bụng của KH (uống thêm thuốc giảm đau nếu cần), tác dụng phụ (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt)
- Nếu không sẩy thai sau 1 tuần, KH cần tái khám ngay, Siêu âm kiểm tra: thai còn trong tử cung Hút thai.
- Nếu sẩy thai tái khám sau 1 tuần hoặc tái khám ngay khi có bất thường (sốt, ra máu nhiều).
Nhận tư vấn từ các bác sĩ
Vui lòng đặt hẹn trước khi đến để được thăm khám nhanh nhất.